Lò nướng là một trong những thiết bị bếp cao cấp cần thiết cho những phòng bếp hiện đại, nếu sử dụng đúng cách bạn sẽ khai thác được hiệu quả tối ưu nhất của lò nướng
Lò nướng sử dụng điện là một trong những thiết bị tiêu thụ điện nhiều nhất do đó, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm đã được chứng nhận tiết kiệm điện hiệu quả loại A châu Âu ví dụ như lò nướng Bosch chính hãng. Không chỉ tiết kiệm điện năng, các loại thiết bị nhà bếp tân kỳ còn giúp tiết kiệm nước và công sức cho người nội trợ.
Các lò nướng hiện đại được trang bị hệ thống tự làm sạch thuỷ phân (Aqua Clean). Hệ thống này sử dụng rất ít nước so với việc vệ sinh lò truyền thống và giúp công việc này trở nên nhẹ nhàng hơn với người sử dụng. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến vấn đề an toàn cho các thành viên trong gia đình với khoá an toàn và khoá trẻ em, cửa lò nướng cách nhiệt với nhiều lớp kính… để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc.
Vị trí đặt lò nướng
Lựa chọn vị trí đặt lò nướng thích hợp không chỉ hỗ trợ bạn nấu nướng dễ dàng mà còn tạo điều kiện tăng tuổi thọ sử dụng của thiết bị.
- Đặt nơi thoáng mát, ngang tầm với
- Nên đặt lò sao cho hai bên thành lò và vách lò phía sau phải cách tường ít nhất 10 cm. Phía trên trần lò cũng phải thoáng.
- Tránh gần vật dụng dễ cháy do lò tỏa nhiệt khá lớn khi hoạt động.
- Không nên đặt lò gần các thiết bị điện gia dụng khác như: ti vi, tủ lạnh, máy giặt… để tránh bị ảnh hưởng do sức nóng từ lò.
Quy tắc an toàn khi sử dụng lò nướng
Trước khi sử dụng lò nướng lần đầu: Phải đảm bảo là công suất điện sử dụng tương thích với chỉ dẫn nằm sau lò nướng và dây điện tốt được nối vào lưới điện.
Chỉ sử dụng các dụng cụ làm từ chất liệu có thể sử dụng trong lò nướng, bạn nên tham khảo hướng dẫn sử dụng của lò hoặc đọc thông tin sản phẩm trên dụng cụ khi mua. Một số loại đồ nhựa, đồ kim loại, đồ sứ có viền kim loại, hộp xốp, túi giấy, đồ gỗ, bao nilon tuyệt đối không cho vào lò nướng.
Đồ chứa thực phẩm sử dụng được trong lò nướng là thủy tinh chịu nhiệt hoặc gốm, sứ, sành (những vật liệu này cũng dùng được trong lò vi sóng). Bạn cần lưu ý không được tạo ra tình trạng sốc nhiệt: nếu muốn hâm nóng một tô sứ đựng đồ ăn cũ vừa lấy ra khỏi tủ lạnh, để bên ngoài ít phút rồi lấy khăn lau lớp mồ hôi bên ngoài tô trước khi cho vào lò nướng, tránh cho tô sứ khỏi bị nứt vỡ do sốc nhiệt.
Tuyệt đối không chạm tay vào lớp kính ở cửa lò, nên sử dụng kẹp gắp và bao tay dày khi cần kéo khay nướng ra ngoài. Lưu ý tránh luồng hơi nóng phả ra khi mở cửa lò, không để trẻ em đứng gần lò nướng cũng như không cho trẻ em mở cửa lò.
Một số mẹo hữu ích khi sử dụng lò nướng
- Bật lò nướng ở nhiệt độ yêu cầu trước khi nướng khoảng 10 phút để làm lò nóng đều.
- Mỗi loại thực phẩm cần nhiệt độ và thời gian nướng khác nhau, do đó người nội trợ phải biết sử dụng các chức năng nướng cho phù hợp với từng loại. Đồng thời cài đặt thời gian và nhiệt độ cho hợp lý cũng là cách giảm lãng phí nguồn nhiệt không cần thiết, giúp món ăn ngon hơn.
- Bạn có thể dùng lò nướng để hâm nóng thức ăn thừa hoặc rã đông thực phẩm mà không cần lò vi sóng. Bạn có thể hâm nóng/nướng cùng lúc nhiều món ăn khác nhau bằng cách đặt tất cả lên một chiếc khay nướng.
- Luôn ướp thực phẩm với gia vị trước khi nướng để thực phẩm thơm ngon hơn.
- Dùng que tre để xiên thịt nướng: luộc hoặc ngâm kỹ que tre trước khi xiên thịt và nướng, để tránh bị cháy.
- Các loại giấy thông thường không cho vào lò nướng được nhưng bạn có thể sử dụng giấy nến – loại giấy đã được phủ một lớp sáp chịu nhiệt, tuy vậy bạn vẫn không được để giấy nến chạm vào thanh nhiệt vì giấy nến vẫn cháy khi tiếp xúc trực tiếp với thanh nhiệt.
- Sau khi nướng xong, bạn nên vệ sinh lò bằng khăn uớt sau khi sử dụng vì các chất dầu mỡ bám lâu sẽ khó làm sạch và dễ làm gỉ sét các bề mặt kim loại bên trong. Các chất thịt, mỡ, gia vị bám dính vào khung inox, lớp khay chống dính của lò nướng, nên dùng thêm một số loại hoá chất chuyên dùng để tẩy rửa kim loại. Không nên dùng loại giấy nhám hay khăn nhám chà, gây bong tróc lớp phủ chống dính hoặc làm trầy bề mặt kim loại, như thế thức ăn mau bám dính và khó rửa sạch hơn.